Chào bạn!

Tôi đang ngồi viết những dòng chia sẻ này gửi đến bạn ở một nơi tựa thiên đường – một quán cafe tràn ngập gió, ánh sáng và màu xanh của cây lá. Trong tiếng nhạc du dương và hương hoa phảng phất, tôi cảm thấy lòng mình rộng mở, hạnh phúc và tự do. Và tôi muốn sẻ chia cảm giác tuyệt vời này đến bạn, kể cho bạn nghe về hành trình của mình.

Tôi là Nguyễn Thị Thanh Sương, sinh năm 1991 và là một cô gái xứ biển thứ thiệt (ở Phú Yên). Tuổi thơ tôi là những lần theo gia đình đi biển (lúc đó tôi chỉ mới lớp 2,3 nên đi theo vì ở nhà sẽ không có ai giữ) vậy nên hơi thở của biển, tiếng sóng rì rào, màu hoa muống biển, những cánh buồm xa đã chiếm trọn trái tim tôi từ thuở ấu thơ.

Cho đến một ngày năm tôi 11 tuổi thì ba tôi mất khi ông còn rất trẻ, bão tố cuộc đời xô đẩy mẹ con tôi. Cũng từ đó tôi không còn ra biển nữa. Là con gái út của “những người cùng khổ”, tôi được anh chị và má hết mực yêu thương, hy vọng tôi sẽ có một tương lai rạng rỡ hơn (bởi sự học của anh, chị tôi phải chấm dứt từ đây).

Nhưng bù lại, tôi phải sống ở nhà một mình từ năm lớp 8 đến hết phổ thông (dù lúc đó nhà tôi chỉ cách nghĩa địa làng có 10m) vì sau những tháng năm lây lất trên mảnh đất quê hương nhưng không đủ sống, thiếu tiền cho tôi học, gia đình tôi quyết định tha hương cầu thực và thỉnh thoảng về với tôi ít ngày lại đi.

Lúc đầu tôi rất sợ và nhớ người thân, nhưng rồi cũng nhờ vậy mà tôi học được rất nhiều điều ở cuộc sống: Tôi đã học được cách phải tự bảo vệ mình khi có tiếng gõ cửa đêm chọc ghẹo của mấy tên trai làng hư hỏng, học được cách tự chăm sóc mình, cách chống bão một mình, cách xoay sở lúc gia đình chưa kịp gửi tiền về, cách vượt qua sự ham chơi và rủ rê dù không bị ai quản thúc để tập trung cao độ cho một mục tiêu duy nhất – là vào được đại học để mở ra chân trời mới…

Rồi cũng tới cái ngày tôi bước vào trường đại học mà tôi hằng mơ ước – Trường ĐHKHXH & NV TP.HCM trong sự vui mừng, tự hào của bản thân và gia đình. Nhưng đến giữa năm 2, trong lúc tôi gần như chắc chắn theo đuổi mục tiêu sẽ học lên cao học để sau này làm giảng viên bởi tôi đã chuẩn bị xong các chúng chỉ và cảm thấy yêu thích ngành học của mình thì một điều bất ngờ đã xảy ra. Tôi và bạn trai (nay là chồng tôi) vô tình gặp được một người truyền lửa kinh doanh, từ đó ngọn lửa ấy cứ cháy âm ỉ trong lòng tôi. Tôi bắt đầu âm thầm theo đuổi một giấc mơ khác.

Cũng từ đây, tôi bắt đầu theo đuổi nghiệp kinh doanh bằng những dự án nhỏ và rất nhỏ ^^. Bởi lúc đó tôi không có tiền, không đi làm thêm (lịch học sáng trưa đan xen làm tôi rất khó xin được việc làm thêm) và cũng thích kinh doanh nhưng còn nhát gan. Nhưng rồi phi vụ đầu tiên đã diễn ra theo cách không ai ngờ.

1. PHI VỤ BÁN TƯỢNG THẠCH CAO Ở QUÊ (2012)

Lúc đó đã cận Tết rồi, tôi mượn bạn trai 800 ngàn để lấy hàng về quê bán Tết (lúc đó anh ấy là công nhân mới ra trường làm nên không có nhiều tiền cho mượn). Chúng tôi đi tìm tận nguồn sản xuất để mua tượng thạch cao cho mấy đứa nhỏ ở quê tô (như trong nhà sách).

Nghe tin đó ai cũng sốc vì tượng thạch cao vận chuyển không khéo là về tới quê nó sẽ vỡ hết và lỡ mấy đứa nhỏ mà không mua là tôi tiêu luôn, chưa kể nếu bán Tết thì có nghĩa là Tết nay tôi không đi chơi được. Nhưng vì ham hố nên tôi đã làm liều. hihi

Vì lo chờ Tết mới bán sẽ bán không hết được nên ngay khi về quê (20 tháng Chạp), mai lại tôi đã cho tượng vào khay, ràng lên ba -ga xe đạp chở lên cổng sau trường cấp 2 ở quê bán buổi trưa. Phải nói là bao nhiêu suy nghĩ bắt đầu ngăn tôi: lỡ đem lên mà bán không ai mua thì xấu hổ chết, lỡ có đứa nhận ra mình trong bộ đồ quê mùa và ngồi xổm bán tượng thì mắc cỡ quá, lỡ ngồi giữa trưa nắng gắt bị bệnh thì sao… nhưng rồi thôi, hàng lấy về rồi mà nghĩ gì cho nhiều.

Tôi bắt đầu bất chấp đạp ngược gió quãng đường dài, bất chấp sự xua đuổi của những quán nước, bánh kẹo kế bên, bất chấp nắng gắt tôi chọn cho mình chỗ thật xa nhưng đủ để học sinh thấy với 1 chai nước, 1 cây dù nhỏ ngồi chịu ở đó. Bao nhiêu ánh mắt lạ đổ dồn vào tôi và khay tượng đất đó. Nhưng vì quê tôi chưa phát triển lắm nên các em đổ xô vào mua, cứ mỗi con vài ngàn và mỗi đứa mua 1, 2 con.

Bắt dầu có những phát sinh bất ngờ, mấy đứa nhỏ tô màu xấu quá nên bắt đầu nhờ tôi tô giúp ^^. Dự tính ban đầu là lên bán buổi trưa lúc gần vào học cho đến xong ra chơi sẽ về, nhưng đơn hàng ký gửi tự nhiên chất đống nên tôi bắt đầu đi về cùng giờ với tụi nhỏ luôn 12h20 – 5h chiều ngồi dưới cây dù nhỏ. Cứ mấy đứa mua trưa thì hẹn giờ ra chơi mới ra lấy được, còn mấy đứa giờ ra chơi mua thì hẹn chiều ra mới lấy. hihi. Rất mệt nhưng rất vui, bán có mấy ngày mà cũng bắt đầu xuất hiện những “khách hàng thân thiết” ^^.

Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các em, trong vòng 5 ngày tôi đã bán hết sạch thùng tượng. Tôi bắt đầu nhờ bạn trai ráng từ Bà Rịa chạy lên Sài Gòn mua gấp 1 thùng hàng nữa để gửi về cho tôi bán tiếp. Hàng về, ngày học cuối năm tôi bắt đầu chỉ cho các khách nhí địa chỉ nhà mình và chỗ tôi sẽ ngồi bán Tết để nếu thích thì các em ghé mua. Tết đến mà hàng còn hơn 1 nửa nên tôi bắt đầu phải tìm đến những chỗ đông người dịp Tết để bán cho hết và dĩ nhiên hầu hết mấy bạn học ở quê của tôi từ lạ đến quen, từ trai đến gái đều thấy tôi hành nghề. Thiệt là ngại quá. hihi

Đợt hàng sau này bán chật vật hơn nhưng nhờ ngày nào cũng đi bán nên tôi đã bán hết hàng. Kết qur là sau 2 đợt hàng đó tôi kiếm được 1 triệu tiền lời theo đúng nghĩa lấy công làm lời. Nhưng thắng lợi đó rất ý nghĩa với tôi, nói giúp tôi vượt qua mặc cảm, ngại ngùng, vượt qua được những khó khăn vất vả và đặc biệt là có thể thừa thắng xông lên. Nửa năm sau chiến thắng đầu tiên ấy, tôi bắt đầu thực hiện phi vụ thứ 2 của mình trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè xung quanh.

2. PHI VỤ BÁN TẠP HÓA TẠI PHÒNG TRỌ (GIỮA 2012 – 2013)

Phòng trọ của tôi nằm cạnh Hồ cá sinh viên nổi danh của Làng đại học quốc gia. Cơ sở hạ tầng, nhịp sống và cách sống ở đó giống như một thước phim quay cực chậm,còn chậm hơn ở quê tôi nữa. Nó làm tôi luôn liên tưởng rằng đó như là Làng của Kim Lân hoặc Nơi thời gian dừng lại vậy. Dãy trọ tôi ở là hoạt động tự do vì chủ không ở đây, nó có mười mấy phòng, tôi ở phòng số 2 – tức ngay cổng ra vào. Phòng tôi ở lúc đó là 3 đứa, tôi xin 2 đứa còn lại cho tôi bán quán trong đó và may sao đều đồng ý… và rồi tôi bắt đầu “bung lụa”. hihi

Trong dãy trọ đó chúng tôi gần như là phòng nhỏ tuổi nhất, khi thấy mở quán trong đó ai ai cũng tò mò, bàn tán bởi chắc có nằm mơ họ cũng không dám nghĩ là có đứa làm chuyện ruồi bu như tôi ^^. Chưa kể cách đó chỉ 2m nhìn qua lưới B40 chính là quán tạp hóa to hơn của chủ dãy trọ bên kia, tôi hiểu mọi người đang ái ngại. Nhưng rồi tôi cũng đã làm, với cái vốn bé nhỏ 1 triệu 5 xoay vòng mỗi ngày tôi lời được 15 – 20 ngàn.

Giờ mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian ấy tôi luôn bật cười. Cười vì sao khi xưa mình đủ can đảm để làm cái chuyện “tào lao” đó và cười vì không hiểu sao 2 đứa bạn còn lại chịu cho tôi làm thiệt. Nhưng tôi cũng áy náy vì sao hồi đó mình không bao giờ thoáng qua ý nghĩ sẽ chia 1 phần tiền lời cho tụi nó mà lại xài không cái không gian vốn đã chật hẹp một cách miễn phí chứ? Bạn ơi, xin lỗi bạn và cảm ơn bạn đã bao dung chấp nhận cái tạp hóa nhỏ nhất quả đất của tôi nhé.

3. CHỮNG CHẠC HƠN VỚI KHĂN RẰN NAM BỘ S-CARO (2014)

Sau 3 năm học ở Cơ sở 2 trường Nhân văn dưới Làng đại học, đến năm 4 tôi chuyển lên học ở cơ sở 1 tại Đinh Tiên Hoàng, Quận 1. Tôi bắt đầu ở trọ tại đường Nguyễn Duy, quận Bình Thạnh, ngay bên hông trường ĐH Mỹ Thuật. Theo đó quán tạp hóa tại phòng trọ cũ của tôi cũng không còn nữa mà thay vào đó là những chuyến thực tập thực tế và làm đề tài tốt nghiệp. Trong chuyến đi thực tập cuối khóa về Cà Mau đó tôi đã được nhìn thấy những chiếc khăn rằn mà các bạn của tôi háo hức mang, thấy những người dân dưới đó xài tôi thích lắm. Nhưng đại cục mới quan trọng nên tôi đã gác ý tưởng đó qua một bên chuyên tâm bức tốc ra trường.

Khi vừa nộp xong bài nghiên cứu khoa học để tốt nghiệp (tháng 3/2014), tôi lại tức tốc đi tìm về nơi nguồn cội của những chiếc khăn caro giản dị, chân quê nhưng cũng đầy kiêu hãnh ấy. Thực sự thì khăn rằn nam bộ là nét đẹp đặc trưng của toàn bộ người dân vùng đất miền Tây – điều này ai ai cũng biết. Nhưng có một điều mà rất ít người biết đó là nơi nào ở miền Tây sản xuất ra những chiếc khăn truyền thống đó? Bởi ngày nay khi bạn đi phượt hay du lịch miền Tây sẽ thấy nó chỉ còn lác đác – vậy nên hành trình của chúng tôi (có anh Long đi cùng) thật gian nan bởi vừa đi vừa hỏi người dân khắp nơi.

Mất vài ngày sau chúng tôi mới tìm được chỗ… và đó là một nơi thật đẹp, thật yên ả, thanh bình. Nhờ tìm được tận nguồn, được thấy cách sản phẩm mình bán tạo ra như thế nào nên tôi đã học đượcnhững điều mới mẻ có ích cho việc tư vấn, bán hàng của mình như cách dệt khăn rằn, mua khăn rằn nam bộ ở đâu, sự khác nhau giữa khăn rằn Nam bộ và khăn rằn Campuchia, cách làm tua khăn rằn…. từ những nghệ nhân của làng nghề.

Cũng nhờ đó mà tôi có niềm tin lớn vào chất lượng sản phẩm của mình và chủ động được nguồn hàng. Lúc này đang rảnh rỗi chờ nhận bằng Tốt nghiệp nên tôi dốc hết sức lực vào việc tìm hiểu kỹ những đặc tính sản phẩm, đăng bán và chăm sóc khách hàng. Trải qua bao khó khăn, điều may mắn đã đến khi những chiếc khăn rằn miền Tây của tôi được nhiều người biết đến và đón nhận dưới cái tên Khăn rằn Nam bộ S-CARO. Đặc biệt, tháng 7/2017 tôi nhận được lời mời phỏng vấn tại trường quay trong chương trình “Cafe khởi nghiệp” chiếu trên HTV7 và nhờ đó có nhiều người đến tìm mua hơn.

4. RẠNG RỠ VỚI DÂY THỪNG TRANG TRÍ FALA STORE (2015)

Khi khăn rằn Nam bộ bắt đầu ổn định, tôi bắt đầu gầy dựng tiếp một công việc mới – kinh doanh các sản phẩm: dây thừng, vải bố trang trí và các phụ kiện đi kèm. Ai cũng tưởng chắc tôi phải khéo tay lắm mới làm mảng trang trí, handmade nhưng sự thật thì thường phũ phàng – thật ra tôi rất vụng nên mới chọn dây thừng làm đồ trang trí. Bởi nó chỉ cần những động tác đơn giản, quấn vòng vòng là ra được sản phẩm rất chất rồi. ^^

Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng khách hàng của mình sẽ là những bạn trẻ yêu thích làm sản phẩm handmade hoặc những người làm công sử trang trí nhẹ cho phòng làm việc thôi. Nhưng không ngờ, với những dầu việc nhỏ bé được thực hiện đầy đủ hằng ngày, từ từ trang web DayThungTrangTri.com và thương hiệu dây thừng trang trí FALA STORE của tôi đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của các anh bên thiết kế – thi công nhà hàng, quán cafe và những công ty xây dựng công trình, doanh nghiệp nội ngoại thất và thậm chí là các công ty về hoạt động đội nhóm (teambuilding) mua về để trang trí, để kéo co, để làm quai túi xách xuất khẩu…

Cho tới ngày hôm nay, ngay khi tôi đang viết những dòng này chia sẻ với mọi người thì ngày mai, bên báo Mực Tím sẽ có phóng viên đến cửa hàng FALA STORE để phỏng vấn câu chuyện kinh doanh dây thừng của mình. Với Dây thừng tôi dùng từ “rạng rỡ” bởi với riêng tôi, tôi hài lòng về những cố gắng và thành quả mà mình đang có hiện tại. Bây giờ là đầu năm mới 2019, ai cũng có những dự định mới cho riêng mình và tôi cũng vậy – kế hoạch năm nay về kinh doanh sẽ là tối ưu hóa toàn bộ hệ thống FALA STORE và cả S-CARO.

Cảm ơn những bạn hữu duyên đã đọc những chia sẻ của tôi. Mến chúc tất cả mọi người luôn vui khỏe, bình an và nhiều may mắn!

 

……….Nguyễn Thị Thanh Sương………..